Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục CNTT-TT, Bộ TT&TT tại sự kiện ra mắt "Thiết bị và giải pháp camera an ninh make in Vietnam" tổ chức tại Hà Nội ngày 28/7.
Xuất xứ của camera an ninh rất quan trọng
Tại sự kiện, ông Ngô Tuấn Anh, CEO Công ty An ninh mạng SCS đã đưa ra thông tin về một số vụ lộ, lọt dữ liệu camera trên thế giới và ở Việt Nam như vụ lộ 150.000 camera của Verkada an ninh do tài khoản quản trị của admin bị lộ; vụ xâm nhập trái phép của hacker vào hơn 100 triệu camera của Hikvision do lỗ hổng firmware chưa được vá…
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ lộ, lọt thông tin, bị hack từ các thiết bị camera. Điều đáng nói, có hơn 90% các vụ lộ, lọt thông tin qua camera đều xuất phát từ mật khẩu người dùng xác thực yếu. Các nguyên nhân có thể tạo ra lỗ hổng trên camera, hệ thống kết nối giữa camera, hệ thống trung tâm và cloud; lỗ hổng trong khâu vận hành và quản trị; lỗ hổng trên các ứng dụng của người dùng…
Chính vì vậy, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh, chúng ta phải đảm bảo an ninh từ thiết bị camera trong tất cả các khâu, từ sản xuất phần cứng đến xây dựng firmware, kết nối đường truyền, hệ thống cloud; hệ thống lưu trữ, xử lý camera; người quản trị và ứng dụng của người dùng cuối.
Ông Nguyễn Trung Kiên, CEO Công ty cổ phần công nghệ Pavana cũng chia sẻ, thị trường camera an ninh tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh, khoảng 12-13%/năm. Thị trường camera an ninh dành cho hạ tầng công cộng cũng bắt đầu tăng trưởng. Hiện, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu camera.
Khác với các thiết bị điện tử khác, nguồn gốc và xuất xứ của camera an ninh có ý nghĩa rất quan trọng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp, nếu các thông tin từ camera giám sát không được bảo mật an toàn thì bí mật kinh doanh, công nghệ sản xuất, nghiên cứu phát triển có thể bị lộ lọt.
"Việc kiểm soát được các vấn đề an toàn bảo mật của camera an ninh không chỉ quan trọng là sản xuất ở đâu mà còn liên quan tới nhiều vấn đề như thiết kế mạch điện tử; phần mềm điều khiển; truyền dẫn, hệ thống server quản lý cần được đặt tại Việt Nam hay các hệ thống đảm bảo an ninh an toàn bảo vệ cho người dùng", ông Nguyễn Trung Kiên cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục CNTT-TT, Bộ TT&TT cũng chia sẻ, hiên nay, nhà nhà đều lắp camera nhưng chúng ta không biết trong đó có bao nhiêu camera an toàn bảo mật, thậm chí những thiết bị đó có thể tạo ra lỗ hổng cung cấp những số liệu, hình ảnh cá nhân nhạy cảm.
Sẽ xây dựng các tiêu chuẩn thiết bị camera an ninh
CEO Công ty An ninh mạng SCS đã chia sẻ 4 nhóm giải pháp cho hệ thống camera an ninh. Đó là đảm bảo hạ tầng (như yếu tố liên quan đến xác thực mạnh); quan tâm tới các yếu tố liên quan đến các hệ thống an ninh an toàn cơ bản; tuân thủ Zero Trust khi xây dựng hệ thống camera theo mô hình cloud; thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn thông tin của các thành phần trong hệ thống, việc vận hành an ninh (liên quan tới quy trình, con người…).
"Một trong những cấu phần quan trọng trong hệ thống camera an ninh đó là hệ thống giám sát để phát hiện sớm nhất các bất thường và từ đó có các phản ứng tức thời để giảm thiểu rủi ro nhất có thể", ông Ngô Tuấn Anh cho biết.
Về phía cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục CNTT-TT, Bộ TT&TT, cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, sáng tạo các sản phẩm dịch vụ để phục vụ cho chính nhu cầu của Việt Nam và thế giới.
Bộ TT&TT cũng đã đưa ra thông điệp "nếu không có make in Vietnam thì Việt Nam sẽ không phát triển được và sẽ không thể vươn ra thế giới".
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp số ở Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng, ra mắt và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều sản phẩm, giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin. Trong đó, nhiều giải pháp đã triển khai hiệu quả, rộng rãi trong các hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Năm 2023 là năm Bộ TT&TT xác định sẽ triển khai các chiến lược, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành như Chương trình chuyển đổi số quốc gia; chiến lược phát triển quốc gia về kinh tế số, xã hội số…
Để triển khai các chương trình, chiến lược này, ông Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng, Việt Nam đang rất cần các sản phẩm, giải pháp, nền tảng số "make in Việt Nam", trong đó có sản phẩm camera, đặc biệt là dòng sản phẩm camera "make in Việt Nam" an toàn, bảo mật do chính người Việt Nam sản xuất.
Bộ TT&TT luôn xác định, vấn đề bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống camera là rất quan trọng. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn đối với thiết bị camera an ninh để các thiết bị được cung cấp đảm bảo an toàn bảo mật.
Tác giả: 0931435998
Nguồn tin: baochinhphu.vn